Cách luyện tập và phương pháp rèn luyện để có chất giọng hay
Cách luyện tập và phương pháp rèn luyện để có chất giọng hay
Phương pháp luyện tập để có giọng nói hay
1. Sơ lược về giọng nói
Nhận thấy tầm quan trọng của một giọng nói hay, chuẩn, đẹp, bằng những hiểu biết kém cỏi, tôi biên soạn “chương trình” nhỏ này cho tôi và cho những ai muốn gây ảnh hưởng tích cực đến người khác bằng giọng nói của mình.
Những bài tập trong chương trình được tôi tuyển chọn từ những quyển sách, các tập thơ mà tôi thấy là phù hợp với mục đích “luyện giọng”. Đặc biệt phần quan trọng của chương trình là phần phát âm được tôi lấy từ “Từ điển vần” của GS. Hoàng Phê và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS.Nguyễn Lân.
Những bài tập trong đây nếu được nghiêm túc tập luyện với những hiểu biết về phương pháp, chắc chắn rằng bạn sẽ có sự thay đổi về giọng nói sau 2 tuần luyện tập.
Giọng nói chiếm 38% sức mạnh thông điệp truyền tải khi bạn giao tiếp với người khác. Người có giọng nói hay không những có thể gây ấn tượng tốt trong mắt người khác mà mức độ thành công và hạnh phúc trong cuộc sống so với những người chỉ có giọng nói bình thường cũng cao hơn. Cùng một nội dung, nhưng người đã qua quá trình luyện tập giọng nói, nói sẽ khác hơn nhiều so với một người trước giờ chưa bao giờ quan tâm đến giọng nói của mình.
Giọng nói hay một phần do trời phú, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể luyện tập. Tất cả là do sự cố gắng và quyết tâm của bạn.
Giọng nói của Bắc, Trung, Nam có những điểm khác nhau cơ bản, không có giọng nào hay hơn giọng nào, bởi mỗi giọng có âm vực-sắc điệu riêng biệt làm nên cái “chất đẹp” của từng miền. Tuy nhiên, để dễ dàng trong quá trình giao tiếp thì giọng nói phải theo chuẩn phổ thông, không sử dụng phương ngữ địa phương, và đặc biệt không được phát âm sai chính tả.
Để sửa lại những điều chưa đúng, chưa đẹp, chưa chuẩn đó không có cách nào khác là tập luyện.
Đối với một luật sư, một giáo viên, một chuyên viên tư vấn, một nhân viên tiếp thị sản phẩm, phát thanh viên,.v.v…, những người có liên quan đến việc nói năng để truyền tải thông tin thì một giọng nói hay là điều không thể thiếu.
2. Bí mật của giọng nói hay
A. Thở bụng
Giọng nói hay trước tiên phải có độ vang, mạnh và rõ ràng. Để được những hoa trái đó không có cách nào khác ngoài việc ta gieo trồng.
Thở bụng chính là hạt giống của một giọng nói vang, mạnh và rõ ràng.
Chú ve sầu trên cây, chú ếch ộp ngoài bờ ao đều thở bụng, đều sử dụng bụng của mình để chứa hơi nên âm thanh mới to, rõ và vang vọng như thế.
Có một điều vui và lý thú thế này, bạn có để ý rằng những em bé thường khóc to hơn người lớn không? Là vì em bé sử dụng bụng để thở đấy! Ngày còn bé, chúng ta cũng sử dụng bụng để thở, nhưng lớn dần lên tự nhiên chúng ta lại chuyển sang thở ngực. Thở ngực thì hơi ít hơn, nói dễ đứt hơi, không thể nói dài trong một buổi thuyết trình được, hoặc giọng nói nghe có vẻ gấp gáp, ngang phè phè không có nhịp điệu và trầm bổng. Bạn có thể tự kiểm tra xem mình đang thở bụng hay thở ngực bằng cách quan sát cách thở của mình. Nếu thở vào bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống là thở bụng. Ngược lại nếu thở vào ngực phình lên và thở ra ngực xẹp xuống là thở ngực. Sau khi quan sát cách thở của mình rồi, bạn cần điều chỉnh lại cho phù hợp, nếu bạn đang thở ngực thì bạn nên chuyển sang thở bụng. Ban đầu tập chưa quen, nhưng dần khi tạo được phản xạ rồi bạn sẽ chuyển sang thở bụng một cách tự nhiên. Cách tập: Việc đầu tiên là bạn phải trở về với hơi thở của bạn. Có nghĩa là khi bạn thở vào bạn biết là mình thở vào và thở ra thì biết là mình thở ra. Đó gọi là hơi thở có ý thức. Bạn thở vào chầm chậm đếm từ 1-6 giây, giữ lại 3 giây sau đó thở ra chầm chậm cũng từ 1-6 giây. Nhớ là, khi thở vào bụng bạn phình lên, và thở ra bụng bạn xẹp xuống. Bạn có thể điều chỉnh số giây thở vào, giữ lại và thở ra cho phù hợp với sức của bạn, đừng cố gắng nín thở. Quan trọng là hít thở tự nhiên, biết mình đang thở, và thở bằng bụng. Bạn có thể đi, đứng, nằm, ngồi quan sát hơi thở và cách thở của mình, một thời gian ngắn bạn sẽ dần quen. Thở bụng ngoài việc giữ hơi để giọng nói của bạn vang, ấm, trầm hơn nó còn giúp bạn an tĩnh tinh thần mỗi khi mệt mỏi. Khi bạn đã thở bụng được, tích trữ hơi được thì như một đại tài chủ, muốn sử dụng tài sản của mình thế nào cũng được, bạn muốn giọng mình vang nó sẽ vang, muốn ấm nó sẽ ấm, muốn trầm bổng thì nó sẽ trầm bổng!
Các bạn có thể xem video hướng dẫn cách học làm MC dẫn chương trình tự tin thuyết trình
B. Phát âm rõ ràng
Như đã nói ban đầu, do đặc điểm vùng miền nên chất giọng và âm sắc của mỗi miền có phần khác nhau. Ngoài những nét đẹp riêng thì bên cạnh đó có những chỗ chưa được hài hòa, đặc biệt là phần phát âm không rõ và sai chính tả. Về phần này tôi đã soạn lại những âm cơ bản để luyện tập. Mỗi ngày, bạn hãy dành thời gian 30 phút luyện tập những âm này vào buổi sáng. Bạn thấy mình sai nhiều ở chỗ nào thì tập nhiều ở chỗ đó. Nếu bạn thường phát âm sai chữ “R” và chữ “G” thì bạn tìm đến phần bài tập phát âm “R” và “G” đễ luyện. Ví dụ: Ga, gà, gá, gả, gạ, gác, gạc, gạch, gai, gái, gãi, gam… Ra, rà, rá, rã, rạ, rác, rạc, rách, rạch, rái, rải… Nếu bạn thường phát âm sai chữ “Ch” và chữ “Tr” thì bạn tìm đến phần bài tập phát âm “Ch” và “Tr” đễ luyện.Ví dụ: Cha, chà, chả, chạ, chác, chách, chạch, chai, chài, chải, cham, chàm, chạm… Tra, trà, trá, trả, trã, trác, trạc, trách, trạch, trai, trài, trái, trải, trại, tràm, trám… Những âm thường sai khác như “L” và “N”, “S” và “X”, “” và “Ă”,… Để luyện môi cho mềm mại thì bạn luyện phần bài tập các âm “B” và “M”. Đọc rõ ràng, chính xác. Khi giao tiếp, nói chuyện với mọi người ta phát âm ra từng từ, từng chữ, từng câu như là đọc văn bản một cách nghiêm túc thì là được.
C. Tốc độ
Theo các nghiên cứu tâm lý thì người ta thường thích những ai nói chậm hơn họ, hoặc bằng họ. Khi bạn nói nhanh hơn người khác, vô hình trung bạn tạo một áp lực cho người lắng nghe mình. Nói quá chậm sẽ làm người nghe buồn ngủ (chúng ta sẽ trở thành một chiến sĩ gây mê tài ba!), nói quá nhanh sẽ khiến người nghe mệt mỏi vì lượng thông tin ào ạt không tiếp thu kịp. Tốc độ chuẩn và vừa phải là 150 từ/phút. Trong phần bài tập tôi đã soạn một số đoạn văn tương đương 150 từ (có đoạn nhiều hơn, đoạn ít hơn một chút), bạn có thể thử đọc những bài đó. Khi đọc bạn sử dụng một chiếc đồng hồ để canh thời gian. Nếu bạn đọc nhanh thì bạn phải đọc chậm lại. Khi đã thuần thục rồi thì bạn có thẻ tùy biến lúc nhanh lúc chậm. Lúc nào không cần thiết bạn có thể nói nhanh, lúc nào quan trọng cần nhấn nhá thì bạn nói chậm lại, to hơn một chút để người nghe chú ý. Một bài hát hay là bài hát có lúc nhanh lúc chậm, lúc lên lúc xuống. Một giọng nói hay cũng như thế. Não của chúng ta không thích sự đơn điệu. Nếu cứ một tiết tấu được lặp đi lặp lại thì bạn sẽ ru ngủ người khác đấy. Nhớ nhé!
D. Nhịp điệu và sức truyền cảm
Phần trên đã nói về tốc độ, ở đây tiếp tục trình bày thêm về nhịp điệu của giọng nói. Giọng nói không thể cứ mãi ngang phè phè, như thế sẽ không đem lại hiệu quả cao khi giao tiếp. Một giọng nói hay thì cần phải có nhịp điệu. Tất nhiên chúng ta không thể ngân nga một câu nói bình thường như một câu hát, người nghe sẽ phán rằng chúng ta thật “sến” hoặc “điệu” hay “kiểu cách”! Nhưng chúng ta sẽ sử dụng “thủ thuật nhịp điệu” trong câu nói khiến người nghe cảm thấy thật tự nhiên nhưng lại có sức lôi cuốn diệu kì. Tiếng Việt chúng ta có vần “bằng” và vần “trắc”. Vần bằng thì xuống giọng, nhẹ hơn, trầm hơn, vần trắc thì lên giọng, to hơn, cao hơn. Thể loại thơ mà chúng ta dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người nhất là thể thơ lục bát. Trong đó là sự phối hợp nhịp nhàng của những vần bằng trắc.
Ví dụ: Nếu mà em cứ làm ngơ Anh thành bong bóng lững lơ giữa trời Nếu gọi em chẳng thèm “ơi” Anh buôn ức triệu nụ cười thế nhân Nếu em mặt giận đỏ rầnThì anh sẽ đứng chần vần ôm hoa Không cho anh bước vô nhà Thì anh lăn lộn kêu la ngoài đường Nếu em rủa anh khó thương Thì anh trợn mắt phùng mang dọa liền Nếu mà em bảo anh điên Anh sẽ chuyển sang điệu chim chuyền hát ca… Sợ chưa, cô bé kiêu sa??? Là anh thí dụ nếu mà anh…. “gan”!!!! Luật bằng trắc trong thơ lục bát như sau: Tự do – bằng – tự do – trắc – tự do – bằng, Tự do – bằng – tự do – trắc – tự do – bằng – tự do – bằng. Vần bằng là những chữ có dấu “huyền” hoặc là “không dấu”, vần trắc là những dấu còn lại “sắc, hỏi, ngã, nặng”. Khi nói chuyện, chỗ nào có vần bằng thì chúng ta đừng lên cao mà cần hạ giọng xuống một chút, chỗ nào có vần trắc thì ta hơi nâng lên. Khi tạo ra nhịp điệu trong giọng nói của mình rồi thì tự nhiên bạn sẽ có sức hút! Bên cạnh nhịp điệu thì không thể thiếu sự truyền cảm. Bạn có thể đọc một bài thơ hay, nói một câu chuẩn ngữ pháp và âm vực nhưng trong đó lại thiếu đi cái hồn, cái động, cái tâm tư tình cảm thì bài thơ, câu nói của bạn chỉ là một bức tranh chết chứ không phải khung cảnh thật. Nói như thế có nghĩa là bạn phải thổi hồn vào giọng nói của mình bằng tình cảm thật. Khi đọc một bài thơ, khi kể một câu chuyện bạn phải đặt hết tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Bạn thấy bạn là bài thơ, là câu chuyện là tinh túy mà bạn cảm nhận được và bạn đọc, bạn nói với tất cả trái tim của mình. Sức mạnh và cái đẹp là sự chân thật. Bạn không thể truyền cảm hứng khi bạn nói điều giả dối hoặc điều bạn không tin. Sự giả dối sẽ bị phát hiện. Điều bạn không tin thì làm sao bạn nói người khác có thể tin. Muốn có sự truyền cảm trong lời nói, trong giọng điệu của mình bạn phải nuôi dưỡng tình thương trong tim mình, sống với thái độ khoan dung, nhân ái, vị tha và hài hòa với mọi người.
Sau bài hướng dẫn nhỏ này mong mọi người có thể hiểu và biết cách nâng giọng mình lên một tầm cao mới.
– Sưu tầm –